Những nghi vấn được đặt ra sau hàng loạt bê bối sửa điểm

Hàng loạt những sai phạm trong công tác chấm thi tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, mở đầu là Hà Giang đang khiến các thí sinh và phụ huynh, thậm chí là người dân cả nước đang hoang mang và dần mất niềm tin vào giáo dục bởi những hành vi gian lận trắng trợn đã xảy ra trong một kỳ thi quan trọng như THPT Quốc gia. Chính vì thế, trước tình trạng đó, nhiều nghi vấn đã được đặt ra sau loạt sai phạm này.

Những bài thi bị sai lệch sẽ xử lý ra sao?

Có lẽ không chỉ những thí sinh bị sai lệch điểm số mà ngay cả những thí sinh không vướng phải rắc rối này hay những người dân đang theo dõi thông tin giáo dục gần đây cũng rất quan tâm đến cách xử lý về những bài thi bị sai phạm này. Có 2 cách xử lý được đặt ra cho các thí sinh:

Một là, trả đúng điểm số về cho các thí sinh, bởi có thể nhiều thí sinh chỉ là nạn nhân trong cuộc đua thành tích của người lớn.

Hai là, bài thi của tất cả các thí sinh bị sai lệch sẽ bị hủy hoàn toàn và nhận điểm 0 vì đã mắc sai phạm nghiệm trọng quy chế thi cử hiện hành (gian lận trong chấm thi và xử lý kết quả thi).

Kết quả hình ảnh cho Kết quả thẩm định thay thế sẽ được dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ

Kết quả thẩm định thay thế sẽ được dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ

Và quyết định của hội đồng chấm thẩm định được đưa ra bởi Hội đồng thi Sở GD-ĐT Hà Giang đã công bố ngày 11/7 đó là kết quả chấm thẩm định được thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm. Như vậy có thể thấy kết quả thẩm định này chính là kết quả có thể sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ, trung cấp 2018.

Liệu có nên chấm chéo bài thi giữa các địa phương?

Một điều hiển nhiên có thể thấy rằng, nếu để các địa phương được quyền tự túc chấm điểm thi trên địa bàn tỉnh của mình thì ắt hẳn trong đó sẽ ít nhiều chịu ảnh hưởng của tính địa phương, tính cục bộ tương đối lớn và có thể gây tác động nghiêm trọng đến chất lượng của kỳ thi THPT Quốc gia.

Nếu bạn là một người chăm chỉ theo dõi tin tức thì cũng đã biết được rằng cách thức chấm chéo giữa các địa phương đã từng được thực hiện trong vài năm khi kỳ thi tốt nghiệp và kỳ thi ĐH, CĐ là những kỳ thi riêng biệt. Tuy nhiên, năm 2011, Bộ GD&ĐT đã phát hiện ra liên minh sai phạm của 11 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long nên đã cho hủy bỏ phương thức chấm thi này.

Chính vì vậy, trên thực tế cho thấy, nếu thực hiện chấm thi chéo giữa các địa phương thì vẫn có thể loại trừ được khả năng có nhiều địa phương kề nhau liên kết để bao che hành vi gian lận.

Xóa bỏ kỳ thi THPT Quốc gia – kỳ thi 2 trong 1, nên hay không?

Từ năm 2015, kể từ khi Bộ GD&ĐT quyết định thay đổi sang phương án chỉ tiến hành một kỳ thi duy nhất là kỳ thi THPT Quốc gia vừa để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa để xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ hay trung cấp đã gặp phải không ít bất cập về thời gian, địa điểm thi, công tác tổ chức, coi thi, chấm thi,…nên nhiều người đã có ý kiến cho rằng nên hủy bỏ kỳ thi hai trong một này.

Kết quả hình ảnh cho Kết quả thẩm định thay thế sẽ được dùng để xét tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, CĐ

Kỳ thi “hai trong một” nên hủy bỏ hay không?

Bên cạnh những bất cập thì kỳ thi gộp “2 trong 1” này cũng đã mang lại một số lợi ích nhất định như tiết kiệm chi phí, sức lực cho phụ huynh, bởi thay vì thi hai kỳ: một là để xét công nhận tốt nghiệp, hai là xét tuyển sinh ĐH, CĐ thì nay chỉ cần một kỳ thi duy nhất nhưng kết quả sẽ được sử dụng để xét cho cả tốt nghiệp và ĐH, CĐ. Mặc dù vậy, điều này khiến cho các trường đại học, cao đẳng thiếu chủ động trong việc xét tuyển của chính mình.

Do vậy, bỏ hay không bỏ kỳ thi THPT Quốc gia – kỳ thi “2 trong 1” là một sự thay đổi giáo dục quan trọng cần được cân nhắc và quan sát kỹ lưỡng nhiều mặt, nhiều phương diện mà các nhà lãnh đạp cần lưu ý.

Hy vọng bài viết trên đã có thể giải đáp phần nào những nghi vấn đang được quan tâm hiện nay và mong rằng Bộ sẽ có những xử lý đúng đắn, kịp thời và phù hợp để lấy lại niềm tin của nhân dân đối với ngành giáo dục.

Rate this post