Những ngày qua, dư luận vẫn luôn dõi theo kết quả chấm thẩm định kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại các tỉnh. Sau những sai phạm nghiêm trọng tại Hà Giang, liệu có còn tỉnh thành nào khác có hành vi tiếp tay cho gian lận thi cử?
Sai phạm ở Sơn La
Tin tức về kết quả chấm thẩm định tại tỉnh Sơn La cho thấy thực sự có gian lận về điểm thi tại đây.
Cụ thể, đối với bài thi tự luận môn Ngữ văn, có 17 bài thi chênh lệch từ 0.25 đến 2 điểm giữa kết quả chấm thi và điểm trên máy tính. Đối với các bài thi trắc nghiệm, xuất hiện nhiều dấu hiệu sửa phiếu trả lời trắc nghiệm của một số thí sinh.
Về công tác quản lý chấm thi cũng được phát hiện là không đúng quy định (tài liệu không được niêm phòng, phòng lưu bài thi không được khóa…)
5 cá nhân liên quan đến sai phạm tại Sơn La được công bố là ông Trần Xuân Yến (Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm), ông Lò Văn Huynh (Trưởng ban Thư ký), bà Nguyễn Thị Hồng Nga, bà Cầm Thị Bun Sọn và ông Đặng Hữu Thủy (Ủy viên Tổ chấm trắc nghiệm). Các đối tượng này sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật do những hành vi đã gây ra.
Kết quả của các bài chấm thẩm định được sử dụng thay thế kết quả đã công bố trước đó, và để thí sinh sử dụng xét tốt nghiệp và đại học.
Đã điều tra ra sai phạm ở tỉnh Sơn La
Sai phạm ở Lạng Sơn
Tính đến thời điểm hiện tại, đoàn thanh tra thẩm định kết quả kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại tại Lạng Sơn vẫn chưa phát hiện ra sai phạm nào.
Cụ thể, 100% bài thi trắc nghiệm được chấm thẩm định có kết quả không chênh lệch so với kết quả đã được công bố trước đó vào ngày 11/7.
Còn đối với bài thi Ngữ văn, trong số 51 bài chấm thẩm định, có 8 trường hợp bị giảm từ 1.25 đến 1.75 điểm, 43 bài thi còn lại không thay đổi điểm.
Việc chấm thẩm định tại Lạng Sơn sẽ tiếp tục được diễn ra và kết quả sẽ được công bố ngay khi tổ công tác hoàn thành công việc.
Các tỉnh không có dấu hiệu sai phạm
Nhiều tỉnh thành trên cả nước cũng đã chủ động rà soát lại kết quả thi THPT Quốc gia để chứng minh sự trong sạch và nghiêm túc thực hiện theo quy định mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra.
Tại An Giang, kết quả rà soát cho thấy công tác coi thi, chấm thi của Hội đồng thi tỉnh diễn ra hoàn toàn nghiêm túc, đúng theo chỉ đạo và quy định của Bộ. Hiện tại vẫn chưa phát hiện bất cứ điều gì bất thường và sai phạm.
Không có dấu hiệu sai phạm ở An Giang
Tại Kiên Giang, các báo cáo cũng chỉ ra công tác coi thi và chấm thi tại tỉnh rất minh bạch, công bằng, đúng theo quy định của pháp luật.
Tại Đồng Tháp, tỉ lệ thí sinh tốt nghiệp THPT lên tới 98.84%, nhưng cũng chưa xuất hiện sai phạm nào cả.
Tại Lâm Đồng, việc thẩm định 1485 bài thi trắc nghiệm đã được hoàn tất. 100% bài thi không có sự chênh lệch so với điểm đã được công bố trước đó.
Tại Bến Tre, 1 máy tính được cài đặt mới và 2 máy scan đã được đưa vào sử dụng trong công tác chấm thẩm định. Kết quả cho thấy không có dấu hiệu bị chỉnh sửa dữ liệu. Các chữ ký của thí sinh, cán bộ coi thi đều trùng khớp với chữ ký hiện thị trên file ảnh bài thi được lưu trữ trên máy tính. Do đó, có thể kết luận tỉnh Bến Tre không có sai phạm trong kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua.
Kết quả chấm thẩm định kỳ thi THPT Quốc gia 2018 sẽ tiếp tục được cập nhật khi các tỉnh hoàn thành công tác chấm.